tuyên truyền kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Bàn
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 95 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA
ĐẢNG BỘ ĐIỆN BÀN (5/4/1930- 5/4/2025); 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐIỆN BÀN (29/3/1975 - 29/3/2025).
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 95 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA
ĐẢNG BỘ ĐIỆN BÀN (5/4/1930- 5/4/2025); 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐIỆN BÀN (29/3/1975 - 29/3/2025).
-----
I- TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG 95 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG BỘ THỊ XÃ ĐIỆN BÀN (5/4/1930- 5/4/2025):
Trong dòng chảy lịch sử vẻ vang của Đảng, Điện Bàn tự hào ngày 05/4/1930, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của phủ đã ra đời, chi bộ gồm 03 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thành làm Bí thư; bốn tháng sau, phủ ủy Điện Bàn được thành lập. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn. Từ đây dưới ánh sáng của Đảng soi đường, phát huy truyền thống yêu nước của ông cha như Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân… dám xả thân hy sinh vì đất nước chống kẻ thù xâm lược.
Giai đoạn 1930-1935, mặc dù đảng bộ mới thành lập, còn non trẻ lại bị thực dân Pháp ra sức khủng bố nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng trong huyện vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, vượt qua khó khăn, luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với phong trào cách chung của tỉnh. Trong những năm 1936-1939, Đảng bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, đòi tự do, cơm áo, hòa bình, chống phát xít, chống chiến tranh. Phong trào đấu tranh của nhân dân Điện Bàn phát triển sôi nổi, đặc biệt là trong các cuộc đấu tranh chống tăng thuế của thực dân Pháp ở Trung kỳ, qua đó, công tác xây dựng cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng được khôi phục và phát triển lên một bước mới, là cơ sở vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn bước tiếp vào chặng đường cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong huyện đã cùng cả tỉnh vùng lên chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và cuộc khởi nghĩa khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ngày 18/8/1945, Điện Bàn vinh dự là một trong những địa phương của tỉnh giành chính quyền sớm. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám ở Điện Bàn là một mốc son lớn trong lịch sử của đảng bộ và nhân dân trong huyện- từ thân phận của người dân mất nước, nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến trở thành người dân tự do, làm chủ đất nước và vận mệnh của mình.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Điện Bàn là vùng đất giằng co quyết liệt giữa ta và địch, với tinh thần “kháng chiến nhất định thắng lợi”, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã vượt qua muôn ngàn gian khổ tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, viết lên biết bao nhiêu chiến công hiển hách, trong đó, chiến thắng Bồ Bồ đánh dấu sự thất bại của thực dân pháp trên chiến trường Quảng Nam, là đỉnh cao của thế trận nhân dân du kích chiến tranh, làm tê liệt tinh thần binh lính địch, làm nức lòng nhân dân trong tỉnh- xứng đáng là một huyện có phong trào nhân dân du kích chiến tranh phát triển mạnh của tỉnh.
Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi, nhân dân miền Nam nói chung, nhân dân Điện Bàn nói riêng lại phải bước vào cuộc kháng chiến mới chống lại kẻ thù hung bạo hơn, xảo quyệt hơn với phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ. Qua 21 năm kiên cường chiến đấu chống Mỹ-ngụy, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã góp phần cùng đồng bào miền Nam chống quốc sách “tố cộng”, “diệt cộng”, quốc sách “ấp chiến lược”, đánh thắng các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Dù có lúc phong trào bị bể vỡ nặng nề, nhiều đồng chí cấp ủy, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ hy sinh nhưng với niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng và tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đã kiên cường trụ bám, chiến đấu và giải phóng huyện nhà vào ngày 29/3/1975, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, ý Đảng- lòng Dân thuỷ chung son sắc chính là ánh sáng, là cội nguồn sức mạnh để quân và dân Điện Bàn giành thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc và xây dựng đất nước, quê hương giàu đẹp sau ngày đất nước thống nhất.
Trải qua 23 kỳ Đại hội Đảng bộ, nhất là các lần Đại hội sau ngày quê hương giải phóng và bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ Điện Bàn đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao và Điện Bàn đã trở thành một vùng động lực phát triển kinh tế phía bắc tỉnh Quảng Nam; an ninh quốc phòng được giữ vững, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh.
95 năm đã đi qua kể từ khi tổ chức Đảng đầu tiên của huyện ra đời tại làng Bất Nhị (xã Điện Phước) với 3 đảng viên (năm 1930), 958 đảng viên (năm 1975), đến nay công tác chỉnh đốn Đảng, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh luôn được Đảng bộ không ngừng chăm lo và phát triển, đến nay toàn Đảng bộ có 71 tổ chức cơ sở đảng với hơn 7200 đảng viên, đây chính là hạt nhân lãnh đạo, là lực lượng đi đầu trên mọi lĩnh vực hoạt động, góp phần đảm bảo cho các mục tiêu mà Nghị Quyết của Đảng bộ thị xã đề ra hàng năm thực hiện thắng lợi.
II- TÓM TẮT NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA QUÂN VÀ DÂN ĐIỆN BÀN TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN:
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân Điện Bàn bằng sự mưu trí, dũng cảm, đã sáng tạo ra nhiều cách đánh, lối đánh táo bạo, linh hoạt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo vệ, phát triển lực lượng. Với tinh thần “kháng chiến nhất định thắng lợi”, Đảng bộ, nhân dân Điện Bàn đã cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và lập được nhiều chiến công vang dội. Trận tấn công tiêu diệt cứ điểm Bồ Bồ vào đêm 19 rạng sáng ngày 20/7/1954 điển hình của Điện Biên Phủ ở miền Nam, là đỉnh cao của phong trào chiến tranh nhân dân, đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, chấm dứt ách đô hộ gần 100 năm của chủ nghĩa thực dân đối với nước ta.
Sau thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại trên cả 3 nước Đông Dương, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền: miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam phải đấu tranh giải phóng dân tộc bởi những âm mưu từ trước, bất chấp dư luận quốc tế, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam thay chân thực dân Pháp, trực tiếp can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, lập nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Điện Bàn trở thành một trọng điểm “tố cộng”, “diệt cộng” của chính quyền Ngô Đình Diệm tại miền Nam. Để thực hiện chính sách tố cộng, diệt cộng, chúng đã gây ra muôn vàn tội ác, tàn sát đẫm máu đối với nhân dân ta, điển hình nhất là vụ chôn sống nhiều đồng chí, đồng bào ta ở Cồn Ba Cây (Điện Nam), bãi cát An Trường (Điện Phong), Bích Trâm (Điện Hòa). Trong các chiến dịch tố cộng, diệt cộng bọn địch đã bắt hơn 10.000 cán bộ, đảng viên, thân nhân gia đình có người tập kết, thoát ly lần lượt vào các trại “tố cộng” nhằm đánh phá cơ sở cách mạng, gây bao cảnh tang thương, chia lìa.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, một số đồng chí lãnh đạo trung kiên của huyện được cấp trên bố trí ở lại quê hương hoạt động, đã bám sát nhân dân, một lòng sống chết cùng Đảng, được nhân dân che chở, đùm bọc, mà củng cố tổ chức Đảng, xây dựng lại cơ sở, nhen nhóm phong trào cách mạng qua bao khó khăn hiểm nghèo. Sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi sáng: Cách mạng miền Nam kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng 3 mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận; đánh địch trên cả 3 vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị... Nên cơ sở đảng và phong trào cách mạng ở Điện Bàn đã nhanh chóng phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Tháng 10/1960, tại khu căn cứ 40 Trung Man, Huyện ủy Điện Bàn đã họp kiểm điểm tình hình, phân công cấp uỷ đứng chỉ đạo từng vùng, thành lập các đoàn công tác trở về bám dân xây dựng phong trào diệt ác phá kèm. Nhờ đó mà đến ngày 26/4/1962 đã mở ra đồng khởi ở Điện Bàn, phá tan hệ thống ấp chiến lược, bộ máy Hội đồng tề ngụy. Đến tháng 3/1965, hầu hết các xã trong huyện được giải phóng (trừ Vĩnh Điện và một số thôn, ấp dọc đường số 1), đã góp phần thắng lợi chung trong toàn tỉnh, cùng với toàn miền Nam đánh bại “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Diệm.
Noi gương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, hàng vạn người con của quê hương Điện Bàn, đã xung phong, tòng quân giết giặc, điển hình như lễ tòng quân của hàng ngàn thanh niên Điện Bàn tại sân vận động xã Điện Thọ vào tháng 7/1965. Quân và dân Điện Bàn có nhiều trận đánh táo bạo, mưu trí, dũng cảm, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, tiêu diệt và bắt sống 54.634 tên địch, trong đó có 16.125 tên Mỹ, 2.548 tên Nam Triều Tiên, phá huỷ và bắn cháy 180 xe quân sự, bắn rơi 85 máy bay các loại. Tổ chức 3.842 cuộc đấu tranh chính trị, với 100.000 lượt người tham gia, góp phần cùng chiến công chung của cả nước đánh bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Bị thất bại nặng nề, nhưng với bản chất phản động và hiếu chiến, năm 1969 “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ lại được tiến hành, nhằm thay đổi màu da của xác chết trên chiến trường. Được quân Mỹ hà hơi tiếp sức, trên chiến trường Điện Bàn, quân ngụy tiến hành đánh phá, cày ủi, xúc tát dân, lập khu dồn, dùng máy bay B.52 bắn phá dữ dội, hòng thực hiện âm mưu đốt sạch, giết sạch, phá sạch, tiêu diệt môi trường sống, nhằm để bảo vệ căn cứ quân sự Đà Nẵng, nhưng đồng bào, đồng chí ta vẫn trụ bám và chiến đấu ngoan cường cho đến ngày Hiệp định Paris được ký kết (27/01/1973).
Đặc biệt trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, chúng ta đã nắm vững thời cơ, tạo thế áp đảo quân địch, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân tiến công giải phóng Điện Bàn, cắm cờ cách mạng trên nóc nhà quận lỵ của địch vào sáng ngày 29/3/1975, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Mỹ-ngụy. Trong chiến dịch này chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã trên 10.000 tên địch, thu hàng ngàn súng các loại, hàng chục tấn đạn dược và phương tiện chiến tranh.
Trong 21 năm đánh Mỹ, quân dân Điện Bàn đã loại khỏi vòng chiến đấu 99.121 tên địch, trong đó có 19.182 tên Mỹ, 6.682 tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên, diệt 1.451 tên ác ôn, phá huỷ và đánh cháy 1.324 xe quân sự, bắn rơi 187 máy bay, thu 3.089 súng các loại.
Trong hai cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, Điện Bàn là nơi bị địch tập trung đánh phá nặng nề nhất, ác liệt nhất. Chúng dùng mọi thủ đoạn chiến tranh, sử dụng các loại vũ khí và phương tiện hiện đại nhằm hủy diệt sự sống, đàn áp phong trào cách mạng của địa phương; chúng chiếm đóng dày đặc với khoảng 3 Trung đoàn ở Bồ Bồ, Trảng Nhật, Cồn Khe và 47 cứ điểm từ Tiểu đoàn trở xuống; tập trung cơ giới cày ủi ở vùng cát; dùng chất hóa học, B52 rải thảm để hủy diệt vùng Gò Nổi; chà đi xát lại bằng những chiến dịch cấp tốc, bình định đặc biệt, phượng hoàng, xúc dân vào các khu dồn, xây dựng vành đai điện tử hòng biến Điện Bàn thành vành đai trắng. Thế nhưng, sự tàn bạo của kẻ thù không khuất phục được lòng yêu nước và ý chí quật cường của nhân dân ta, không lúc nào mảnh đất này lại vắng bóng nhân dân. Hàng ngàn hàng vạn bà con vẫn kiên cường bám trụ trong điều kiện nhà cửa chỉ là vài tấm tranh tạm che mưa nắng; các thế hệ thanh niên của Điện Bàn đã tiếp bước cha anh lên đường cầm súng đánh giặc. Điện Bàn vẫn là đất thánh, là căn cứ địa của cơ quan lãnh đạo Tỉnh ủy, Khu ủy V, là nơi ém quân tạo bàn đạp của những đơn vị bộ đội chủ lực tấn công vào dinh lũy của chúng tại Đà Nẵng. Sức mạnh chiến tranh nhân dân của quân và dân ta đã được phát huy cao độ trong suốt thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Những trận đánh đầy mưu trí, dũng cảm và kiên cường trước kẻ thù như Bồ Bồ, Ngũ Giáp, Điện Ngọc… là những khúc ca hùng tráng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng là những chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước đi đến đại thắng mùa xuân 1975.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Điện Bàn đã lập nên bao chiến công hiển hách, tiếp tục làm rạng rỡ truyền thống yêu nước của cha ông, góp phần tô thắm tám chữ vàng Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Với thành tích vẻ vang đó, ngày 20/10/1976, Điện Bàn đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và toàn thị xã đã có 21 tập thể và 82 cá nhân được tuyên dương danh hiệu cao quý anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 3117 bà mẹ được nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, có hơn 18.920 người con ưu tú của Điện Bàn đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường; gần 8.000 đồng chí tuy còn sống, nhưng trong người vẫn còn mang nhiều di chứng của chiến tranh; nhiều người mẹ, người cha, người vợ, người chồng, người con đã vĩnh viễn không bao giờ gặp lại những người thân yêu của mình.
III- NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT TRONG 50 NĂM GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG:
Đặc điểm sau chiến tranh: 10/12 nghìn ha đất canh tác bị hoang hoá, đầy rẫy bom mìn, 97/114 thôn bị cày ủi sạch, 3 vạn người từ thành phố trở lại quê hương thì đã có 2 vạn người trong diện cứu đói, hơn 35.000 người chết và hơn 17000 người bị thương, gần 5000 ngàn trẻ em mồ côi không nơi nương tựa... Lúc này nhà cửa, làng xã hầu như điêu tàn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chỉ đạo trực tiếp bằng các chủ trương, chính sách kịp thời; trước khí thế cách mạng sôi nổi của nhân dân, toàn huyện lúc bấy giờ đã hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục lại kinh tế, từng bước xây dựng cuộc sống mới của những năm đầu được giải phóng. Đến cuối tháng 01/1979, đã hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp trên địa bàn huyện, thu hút 100% hộ nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể. Từ 1976, đã tiến hành xây dựng hệ thống thuỷ lợi, kết hợp giữa giao thông và thuỷ lợi. Nhờ vậy, mà nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp trong huyện mỗi năm có những bước phát triển góp phần vào việc ổn định cải thiện được đời sống trong nhân dân.
Phát huy truyền thống của huyện anh hùng, Điện Bàn đã phải vượt qua chặng đường đầy gian khó, để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, khai thông sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết cái ăn, cái mặc, học hành, khám chữa bệnh cho nhân dân. Tuy vậy, trong bối cảnh chung của đất nước, nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá, sức sản xuất bị kìm hãm, nên dù đã nỗ lực vượt bậc nhưng sau 10 năm kiên trì xây dựng, tổng giá trị sản xuất toàn xã hội cũng chỉ tăng 2 lần so với năm 1975, trên 50% hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,45 triệu đồng/ năm; cơ sở hạ tầng kỹ thuật như hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế còn rất lạc hậu, thấp kém...
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn nước ta, đề ra đường lối đổi mới, xoá bỏ bao cấp, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước, vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; mở rộng hợp tác, hội nhập kinh tế với thế giới và đề ra nhiều chính sách an sinh xã hội, tạo nên sức mạnh mới trong sản xuất, nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, tăng trưởng nhanh. Gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế tăng trưởng, văn hoá- xã hội phát triển, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện, nhiều gia đình ở thành thị, nông thôn đã trở nên giàu có, khá giả, chính trị xã hội ổn định. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững mạnh. Quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước trên thế giới không ngừng phát triển, vị thế của nước ta đối với khu vực và thế giới không ngừng nâng cao.
Phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến và trong từng giai đoạn phát triển, Đảng bộ Điện Bàn đã tiếp thu, vận dụng khá tốt các chủ trương, chính sách của Đảng vào điều kiện thực tiễn của thị xã, từ đó chọn đúng những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để lãnh đạo tổ chức thực hiện, đưa sự nghiệp xây dựng quê hương tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc.
Qua 49 năm xây dựng quê hương, Điện Bàn đã có bước tiến dài trong quá trình phát triển đi lên. Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, Điện Bàn đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, năm 2005, cán bộ, nhân dân Điện Bàn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Năm 2010, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện cơ bản trở thành huyện công nghiệp. Năm 2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 889/NQ-UBTVQH13 công nhận thị xã Điện Bàn, cũng trong năm này, Chính phủ ban hành Quyết định công nhận thị xã Điện Bàn đạt chuẩn thị xã nông thôn mới. Sau đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thị xã đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo định hướng đô thị, nông thôn mới; cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhờ đó, nền kinh tế của thị xã luôn đạt mức tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Nếu như cơ cấu kinh tế năm 1975: giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 76,46%, công nghiệp - xây dựng chiếm 16,28% và dịch vụ 7,26%. Đến cuối năm 2024, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 27.060 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, cụ thể: công nghiệp - xây dựng chiếm 67,2%, dịch vụ chiếm 25%, nông lâm thuỷ sản chiếm 7,8%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 87,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 71,3 triệu đồng/người/năm; thành lập thêm 05 phường (nâng tổng số phường của thị xã lên 12); 100% xã giữ vững và nâng chuẩn nông thôn mới, trong đó, 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước) và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Điện Thọ, Điện Tiến, Điện Hồng, Điện Hòa).
Ngoài khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, trên địa bàn có 09 cụm công nghiệp góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thị xã và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương; thương mại - dịch vụ có bước phát triển nhanh, đã hình thành một số loại hình chất lượng cao: ngân hàng, viễn thông, Siêu thị, dịch vụ vận tải, du lịch cao cấp, nhất là ở tuyến ven biển, nhiều khu du lịch được công nhận ở tầm quốc tế như: The Nam Hai, Malibu, Câu lạc bộ Biển Blush, Label Hà My, sân golf Montgomerie Links, Shantira, Trường quốc tế Sky linke …
Thị xã đã huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển đô thị, nông thôn mới; hoàn thành các dự án trọng điểm: Trung tâm Thể dục - Thể thao Bắc Quảng Nam, Công viên Thanh niên, Công viên Mẹ Thứ, Đường ven hồ Trung tâm hành chính, đường Trần Nhân Tông, Đường trục chính đoạn qua trung tâm thị xã, đồng thời, tập trung cho dự án của tỉnh trên địa bàn thị xã: ĐT 605, ĐT 607, ĐT 608, ĐT 609, Cầu Vân Ly, đường vành đai Bắc Quảng Nam; đã và đang triển khai hàng chục dự án khu dân cư, đô thị, góp phần làm cho hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại của thị xã phát triển từng bước đồng bộ; các công trình điện thắp sáng, cây xanh, các khu phố chợ, hạ tầng các cụm công nghiệp... tiếp tục được đầu tư, tạo ra diện mạo khang trang, đầy khởi sắc cho thị xã Điện Bàn.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội gặt hái được những kết quả quan trọng. Hiện nay, thị xã có 08 di tích cấp Quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Thị xã tổ chức thành công nhiều chương trình lễ, văn hóa thể thao quy mô lớn. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm phát triển toàn diện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp; đặc biệt đã đẩy mạnh xã hội hóa trong sự nghiệp y tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, hiện nay trên địa bàn thị xã, ngoài cơ sở y tế công lập. còn có có 01 Bệnh viện, 03 Phòng khám Đa khoa tư nhân. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo; đời sống mọi mặt của Nhân dân được nâng lên; dự kiến đến năm 2025 thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo). Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định. Tiềm lực khu vực phòng thủ được củng cố vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu ngày càng nâng cao, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh.
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng bộ Điện Bàn, 50 năm ngày giải phóng quê hương và ôn lại truyền thống lịch sử 95 năm Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và truyền thống lịch sử Đảng bộ Điện Bàn nói riêng, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta tăng thêm lòng tự hào, nhưng quan trọng hơn là xây dựng lòng tin của toàn xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần cách mạng, phát huy cao nhất nội lực, tranh thủ tốt nhất ngoại lực trên nền tảng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020- 2025 mà Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII đã đề ra. Đặc biệt là tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; Chỉ thị số 50-CT/TU, ngày 29/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 35-CT/TU, ngày 30/9/2024 của Ban Thường vụ Thị ủy về tổ chức đại hội chi, đảng bộ tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tuy còn nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn thách thức nội tại và tác động từ bên ngoài mà chúng ta phải vượt qua; và những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn đạt được trong thời gian qua, tuy chưa thoả lòng mong ước của nhân dân, nhưng có ý nghĩa hết sức lớn lao và quan trọng cho sự phát triển của thị xã. Với niềm tự hào và phấn khởi, Đảng bộ và nhân dân Điện Bàn chung sức, đồng lòng xây dựng Điện Bàn ngày càng giàu đẹp văn minh góp phần cùng cả tỉnh, cả nước sớm thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
BAN TUYÊN GIÁO THỊ ỦY